Nhiều người nghĩ rằng ảnh chân dung nghề nghiệp thì phải theo một khuôn mẫu nào đó và thường là trông nghiêm túc đến mức cứng nhắc.
3 yếu tố quan trọng của một bức ảnh chân dung chuyên nghiệp tuyệt vời
Chúng ta đều thấy những bức ảnh chân dung chuyên nghiệp như này: trang phục công sở, đầu tóc gọn gàng, không có gì quá nổi trội. Vì một vài lí do nào đó, nhiều người nghĩ rằng ảnh chân dung nghề nghiệp thì phải theo một khuôn mẫu nào đó và thường là trông nghiêm túc đến mức cứng nhắc.
Đôi khi chúng ta cũng bắt gặp những bức ảnh chân dung có tạo dáng đẹp, nụ cười rạng rỡ nhưng lại bị “tàn phá” vì ánh sáng kém và trình độ chỉnh sửa tệ hại.
Vậy đâu là những yếu tố quan trọng của một bức ảnh chân dung nghề nghiệp tuyệt vời?
1. Ánh sáng
Ánh sáng và thiết bị ánh sáng chuẩn (thường chỉ có ở các studio chuyên nghiệp) sẽ tạo nên sự khác biệt, tất nhiên với điều kiện là có người biết sử dụng.
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp biết cách sử dụng các loại thiết bị ánh sáng và phối hợp chúng với nhau để tạo điểm nhấn ở ưu điểm này, giấu bớt nhược điểm kia trên khuôn mặt bạn.
Nếu không chụp ở studio mà chụp ở văn phòng của bạn hoặc ngoài trời thì người chụp chuyên nghiệp cần phải có thiết bị phù hợp.
2. Trang phục
Mặc dù khuôn mặt phải là điểm thu hút sự chú ý nhưng trang phục cũng rất quan trọng. Bạn muốn cho những ai xem ảnh và họ cần thấy điều gì? Nếu bạn là nhân viên ngân hàng hoặc luật sư, một bộ vest tông màu kín đáo kèm theo cà vạt có thể thực sự phù hợp, còn áo sơ mi một màu trung tính là lựa chọn hàng đầu của các CEO mới khởi nghiệp.
Muốn gì thì muốn, bạn cũng nên tránh những thứ quá sành điệu, quá hào nhoáng, quá lộ liễu. Tốt nhất là mặc trang phục có một màu đơn giản và trung tính. Với chị em, lời khuyên là cổ áo nhã nhặn và càng ít trang sức càng tốt.
3. Tạo dáng và biểu cảm
Nhiều người không thích được chụp ảnh. Nhưng ngay cả khi muốn thì nhiều người cũng không biết cách tạo dáng như nào. Hoặc họ càng cố gắng thì càng thất bại trong việc thể hiện biểu cảm mà mình mong muốn.
Kinh nghiệm và chỉ dẫn của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể hữu ích đối với hai yếu tố đã nói ở trên, còn ở yếu tố thứ ba này thì nó cực kì có giá trị.
Mặc dù nhiếp ảnh gia không phải là phù thuỷ, nhưng họ biết những cách điều chỉnh tư thế để tạo ra các đường nét và hình khối gợi lên sự thân thiện, sức mạnh, năng lượng và sự đĩnh đạc. Và trình độ của nhiếp ảnh gia được khẳng định khi họ đem đến sự tự tin cho cả những người vốn ngại đứng trước ống kính.
Lời khuyên phút chót
Trước khi chụp, hãy trao đổi với nhiếp ảnh gia về mục đích sử dụng ảnh và đảm bảo hai bên đã hiểu nhau. Nếu bạn còn chưa biết mình nên mặc gì hoặc mang gì theo, cứ mạnh dạn hỏi. Nên dành nhiều thời gian cho buổi chụp cũng như chọn thời điểm phù hợp. Ví dụ, tránh chụp vào cuối ngày làm việc cho dù bạn thuộc kiểu người giàu năng lượng.
Hãy nhớ rằng ảnh chân dung nghề nghiệp có thể dùng được cho mọi thứ: website, danh thiếp, gói thông tin cho báo chi (media kit), trình chiếu tại hội nghị, mạng xã hội như LinkedIn, Facebook v.v. Có sẵn một bức chân dung đẹp, độ phân giải cao sẽ giúp bạn chủ động hơn khi có dịp được xuất hiện trên truyền thông.
Trước rất nhiều cơ hội để tạo ấn tượng cá nhân, bức ảnh chân dung nghề nghiệp xứng đáng được bạn dành nhiều thời gian cho nó.
Nguồn: Dịch từ wedomarketing.com
Ảnh: Paratime Studio