8 lỗi khi chụp chân dung tại văn phòng của khách hàng

Các sự cố xảy ra thường liên quan tới việc di chuyển, thiết bị, quản lí thời gian và cả việc ứng xử tại nơi làm việc của khách hàng.

Studio di động

8 lỗi khi chụp chân dung tại văn phòng của khách hàng

Chụp ảnh chân dung tại văn phòng của khách hàng đòi hỏi bạn phải lắp đặt cả một phòng chụp di động. Vì thế, hầu hết các vấn đề mà bạn gặp phải thường liên quan đến việc di chuyển, thiết bị và thời gian. Thậm chí cách ứng xử tại nơi làm việc của khách hàng cũng có thể tạo ra rủi ro.

1. Không nắm rõ đường đi và địa điểm

Tôi sống ở một trong hai khu nhà liền kề do hai chủ đầu tư khác nhau xây dựng nhưng lại cùng đặt tên giống nhau. Hậu quả là nhiều người giao hàng thường xuyên bị nhầm. Đôi khi hai bên phải mất gần chục cuộc điện thoại thì mới tìm đúng nhà. Nếu bạn tin tưởng rằng Google Maps sẽ chỉ cho bạn chính xác địa điểm bạn chưa từng đến thì rất có thể bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh của các anh giao hàng kia.

Việc không nắm rõ địa điểm cũng khiến bạn bị động trong việc chọn lựa phương tiện di chuyển. Nếu bạn có quá nhiều đồ thì sẽ phải dùng đến ô tô. Tự lái hay đi taxi? Nếu tự lái ô tô đến đấy thì liệu có chỗ đỗ xe an toàn không? Chụp xong mà xe bị vặt mất gương hoặc bị công an phường cẩu đi thì chẳng mấy mà phải bỏ nghề.

Bạn có thể phải cần tính thêm thời gian cho những sự cố ngoài ý muốn.

Vào giờ cao điểm, nhiều toà nhà hạn chế hoặc cấm cho hàng cồng kềnh vào thang máy (kể cả thang hàng). Nếu lịch chụp của bạn bắt đầu vào 9h mà giờ đấy họ mới cho bạn mang thiết bị vào thì sao? Ấy là chưa kể nhiều cơ quan có thủ tục an ninh rất nghiêm ngặt. Tôi đã từng mất tới gần nửa tiếng để nhân viên an ninh soi chiếu thiết bị.

Nếu không biết trước những thủ tục như vậy, chắc chắn bạn sẽ bị trễ hẹn.

Ngay cả nếu trước đây bạn đã từng đến chụp rồi thì vẫn nên hỏi lại. Vì biết đâu họ mới thay đổi quy định. Trí nhớ và kinh nghiệm đôi khi lại là kẻ phản bội.

Vì thế, việc khảo sát địa điểm trước buổi chụp không chỉ cho bạn biết sẽ chụp ở đâu, chuẩn bị thiết bị gì mà còn giúp bạn biết đường đi, các vấn đề về giao thông trên tuyến đường và quy định khi làm việc tại toà nhà.

2. Đến đúng giờ

Nghe có vẻ sai sai. Nhưng trong thực tế, nếu bạn đến đúng giờ tức là bạn đã đến muộn.

Giả sử theo kết hoạch thì buổi chụp bắt đầu từ 9h sáng. Bạn trừ đi 30 phút lắp đặt thiết bị, 10 phút làm thủ tục đăng kí vào toà nhà. Vì thế bạn cho rằng 8h20 có mặt là được.

Nếu may mắn không bị tắc đường thì vẫn còn những rủi ro khác đang chờ bạn.

Có một câu mà bảo vệ toà nhà rất hay nói: Tôi không thấy thông báo về việc này. Và thế là bạn sẽ phải gọi cho khách hàng giải quyết. Có nhanh cũng phải mất dăm bảy phút thì bạn mới đi được.

Chưa hết, nếu thang máy quá đông người, bạn sẽ phải chờ tiếp.

Vì vậy, đi đúng giờ là chưa đủ. Bạn phải đến sớm ít nhất 15 phút để đề phòng những chuyện như trên. Và nếu có sớm 10, 15 phút thì bạn cũng thấy thoải mái hơn trước khi bắt đầu buổi chụp.

3. Để quên thiết bị ở nhà

Hiếm có ai đi chụp ảnh mà để quên máy ở nhà. Nhưng thiếu ống kính và nhất là để quên trigger thì không phải là chuyện lạ.

Còn chuyện máy ảnh sắp hết pin, quên sạc máy tính, quên ổ cắm điện nối dài thì rất hay xảy ra.

Ấy là chưa kể đang chụp thì đầy thẻ nhớ hoặc đầy ổ cứng (nếu chụp tether) vì bạn quên không format thẻ hoặc dọn ổ cứng trước buổi chụp.

Những thiếu sót như vậy có thể làm buổi chụp bị gián đoạn. Thậm chí bị hoãn lại hàng giờ đồng hồ để chờ thiết bị.

Vì thế, ngoài việc lập danh sách thì bạn còn phải kiểm tra tình trạng của thiết bị và phụ kiện.

4. Không có đồ dự phòng

Nếu chỉ mang thiết bị đủ dùng thì bạn cũng có thể rơi vào tình thế tương tự như chuyện đi đúng giờ. Dù lần này khả năng rủi ro thấp hơn nhiều.

Những thiết bị thiết yếu như máy ảnh, ống kính, trigger, đèn có thể bị hỏng hóc bất ngờ. Nếu không có thiết bị dự phòng thì khả năng cao là buổi chụp sẽ bị huỷ.

Tôi phải nhắc lại là chuyện hỏng hóc là rất hi hữu. Nhưng nếu có thiết bị dự phòng thì chắc chắn là bạn sẽ thấy yên tâm hơn.

5. Mang quá nhiều thiết bị

Mang thừa thiết bị và mang thiết bị dự phòng là hai chuyện không đồng nhất. Có thể là tuy thừa nhưng vẫn thiếu.

Những thiết bị dư thừa sẽ khiến cho việc vận chuyển thêm vất vả, khó khăn. Nó cũng khiến bạn mất thêm thời gian khi lắp đặt và thu dọn. Càng nhiều thì càng khó quản lí, khả năng thất lạc, mất mát vì thế cũng cao hơn.

Tất nhiên, nếu bạn không tự tin lắm thì mang dư một chút cũng được. Sau nhiều buổi chụp, bạn sẽ biết mình cần những gì.

Thiết bị cho một studio di động của Paratime Studio

6. Không có kế hoạch làm việc chi tiết

Khách hàng yêu cầu bạn chụp cho 20 người, mỗi người hai kiểu ở hai bối cảnh khác nhau. Đó tưởng là việc đơn giản nhưng thời gian thì có hạn và ai cũng bận cả. Nếu không lên lịch chụp cho từng người và phân bổ thời gian giữa các bối cảnh thì bạn sẽ mất kiểm soát và không thể đảm bảo tiến độ.

Vì thế, muộn nhất là trước ngày chụp, bạn phải thống nhất với đầu mối phía khách hàng về kế hoạch làm việc chi tiết. Ngoài ra, trong buổi chụp sẽ có những thay đổi khó tránh, đòi hỏi bạn cần biết cách xử lí linh hoạt.

7. Ồn ào, ảnh hưởng tới công việc của người khác

Sự có mặt của bạn cùng hàng tá thiết bị đương nhiên sẽ thu hút sự chú ý của mọi người. Môi trường làm việc vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bạn sẽ phải hướng dẫn cách tạo dáng cũng như nói chuyện, tạo không khí thoải mái cho nhân vật. Nhưng ngay cả khi bạn có một phòng riêng để chụp thì tiếng ồn vẫn là thứ phải hạn chế.

Nếu buộc phải xê dịch đồ đạc để lắp đặt thiết bị thì bạn phải xin phép trước và không xáo trộn mọi thứ lên hay gây cản trở công việc của người khác. Và sau khi xong việc, hãy cố gắng sắp xếp lại mọi thứ như cũ.

Bởi vì bạn không chỉ cần chụp ảnh đẹp mà còn phải biết cách làm việc một cách văn minh.

8. “Đẽo cày giữa đường”

Nếu có nhiều người đứng quanh xem bạn chụp ảnh thì hãy cảnh giác.

Đôi khi họ có thể làm cho không khí thoải mái và đưa ra những gợi ý hữu ích, vì dù sao thì họ với người đang được chụp cũng là đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính những người này sẽ tạo nên áp lực, làm người được chụp lúng túng. Thậm chí bạn cũng bị “cướp” mất quyền làm chủ buổi chụp. Và tệ nhất là bạn bị biến thành thành kẻ “đẽo cày giữa đường”.

Nếu rơi phải tình huống bất lợi như vậy, bạn nên lấy lí do để tạm dừng và nhờ đối tác hoặc tìm cách tự giải tán đám đông một cách lịch sự.


Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: chân dung chuyên nghiệp, kinh nghiệm
Bài trước
Tham gia đóng góp Quỹ vắc-xin phòng COVID-19
Bài sau
Giãn cách xã hội thì nhiếp ảnh gia sẽ làm gì?