Nhiếp ảnh gia Adam Bronkhorst – một người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm chụp ảnh chân dung thương mại – chia sẻ những gợi ý cho khách hàng khi chụp ảnh chân dung nghề nghiệp, ảnh hồ sơ hoặc ảnh đại diện.
10 gợi ý để trông đẹp hơn trong bức ảnh chân dung nghề nghiệp / ảnh hồ sơ / ảnh đại diện
Nhiếp ảnh gia Adam Bronkhorst – một người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm chụp ảnh chân dung thương mại – chia sẻ những gợi ý cho khách hàng khi chụp ảnh chân dung nghề nghiệp, ảnh hồ sơ hoặc ảnh đại diện. Ảnh minh hoạ của Paratime Studio.
Trong bài này
1. Cân nhắc về trang phục sẽ mặc
Đừng mặc áo phông có in hình hoặc thương hiệu hoặc những khẩu hiệu thú vị. Rất có khả năng là các hình này sẽ bị cắt mất một phần và trở nên ngớ ngẩn. Sau tất cả, ai lại muốn mặc một chiếc áo phông với câu “Mẹ tôi đi du lịch và tất cả những gì tôi có là chiếc áo phông dở ẹc này” mà kết cục là bạn sẽ có một bức ảnh với khuôn mặt của bạn ở trên và dòng chữ “Mẹ tôi” ở dưới.
Ngoài ra, nếu quần áo có hình kẻ nhỏ thì rất có khả năng sẽ bị hiện tượng “moire” trông rất tức mắt, đặc biệt là trên màn hình điện thoại.
Đôi khi hình ảnh sẽ được chuyển sang đen trắng cho phù hợp với thiết kế chẳng hạn. Vì thế, bạn cũng cần phải để ý tới tông màu của trang phục. Cà vạt hồng với áo sơ mi xanh nhạt trông có vẻ rất hợp ở ngoài, nhưng khi chuyển sang ảnh đen trắng thì chúng gần như cùng một sắc độ và bị lẫn vào nhau. Cách dễ nhất để kiểm tra điều này là bạn dùng điện thoại chụp và chuyển thử sang chế độ đen trắng.
2. Làn da bóng loáng
Thường thì các nhiếp ảnh gia sẽ dùng ánh sáng nhân tạo (đèn flash, led) để đảm bảo sự đồng nhất giữa các bức ảnh hồ sơ. Hơn nữa, ánh sáng phù hợp sẽ khiến bức ảnh trông nịnh mắt hơn nhiều. Tuy nhiên, điểm hạn chế của ánh sáng studio là nó thường làm da bạn trông nhờn bóng. Đặc biệt là vào những ngày oi nóng.
Với chị em, tôi đề nghị dùng phấn nền. Với cánh mày râu, đơn giản là đi rửa mặt ngay trước khi chụp, hoặc lau bằng giấy ướt cũng được. Đảm bảo là da dẻ trông sẽ ngon nghẻ hơn nhiều.
3. Tóc
Rất nhiều người vội vã bước vào phòng chụp với bộ tóc rối bời. Mà thú thực là đấy lại thường là các chị em, vì cánh đàn ông thường để tóc ngắn (có anh còn cạo trọc). Vì thế, tôi thường khuyên các chị nên mang theo lược. Hoặc bí quá, nếu không chê thì các chị có thể dùng lược của tôi.
Vào mùa hanh khô, khả năng cao là tóc dễ bị xơ và rời rạc sau khi gội và sấy khô, nên trước ngày chụp ảnh thì tốt nhất là không gội đầu. Nhìn ở ngoài thì nhưng sợi tóc con nhô ra không hẳn là vấn đề, nhưng khi lên hình thì rất có thể đó là thảm hoạ. Và chỉnh sửa tóc bằng Photoshop là một trong những công việc cực kì căng thẳng và khó khăn.
4. Trang điểm khi chụp ảnh hồ sơ
Đây là chân dung thể hiện con người của bạn trong công việc. Vì thế hãy nghĩ đến công việc khi lựa chọn cách trang điểm. Vẻ ngoài tự nhiên luôn là lựa chọn tốt nhất. Đừng nên trang điểm như đi dự tiệc, mặc dù trông bạn rất lộng lẫy, nhưng nó không phù hợp với một bức chân dung nghề nghiệp.
Nếu bạn thường xuyên tô son đậm thì không vấn đề gì, nhưng đừng tô đậm nếu bạn ít khi làm vậy.
Nói chung là bạn sẽ cần bức ảnh đẹp, thể hiện con người bạn một cách chuyên nghiệp.
5. Kính
Đây không hẳn là vấn đề gì to tát nhưng cũng đáng để nhắc tới. Nếu bạn thường xuyên đeo kính và mọi người thường thấy bạn đeo kính, thế thì đừng bỏ kính ra. Nếu bạn chỉ đeo kính khi làm việc và không thường đeo khi gặp người khác, vậy thì bạn cần phải cân nhắc có nên đeo hay không khi chụp ảnh.
Nếu bạn quyết định không đeo thì trước khi chụp một thời gian hãy bỏ kính ra, vì có thể gọng kính sẽ gây ra vết hằn đỏ trên sống mũi.
Còn nếu bạn đeo kính thì có một số việc cần làm. Đầu tiên là phải lau thật sạch cả mắt kính và gọng kính. Bụi, vân tay, lông mi trên rất dễ bị lộ dưới ánh đèn flash. Thứ nữa, trong khi chụp, bạn phải để ý kính có bị lệch hoặc trễ không. Vì kính bị trễ khi lên ảnh sẽ che mất một phần đôi mắt của bạn, mà ảnh chân dung thì quan trọng nhất là đôi mắt.
6. Góc đẹp nhất của khuôn mặt
Nhiều người biết mình trông đẹp nhất khi chụp ở phía nào của khuôn mặt. Tôi thường xuyên được khách hàng, chủ yếu là khách hàng nữ, cho biết bên nào thì đẹp hơn. Nhờ thông tin quý giá này, tôi sẽ tập trung chụp nhiều hơn ở phía đấy để buổi chụp hiệu quả nhất có thể.
Tương tự, nếu có chi tiết nào đó trên khuôn mặt mà bạn không thích thì hãy cho người chụp biết. Phổ biến nhất là chuyện mắt to mắt bé, trong trường hợp đấy tôi thường chụp mắt bé ở phía gần máy ảnh hơn. Hoặc là nhiều người không tự tin với hàm răng của mình, tôi sẽ để họ mỉm cười mà không khoe răng.
Nói chung, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chủ động cho người chụp biết những thông tin như vậy để khỏi phải nhận về những bức ảnh không vừa ý. Hãy nghĩ người chụp cũng như bác sĩ, bạn có thể nói ra mà không cảm thấy xấu hổ. Đơn giản là vì có thể họ đã nghe những chuyện như vậy hàng trăm lần rồi.
7. Độ cao phù hợp
Thường thì đây là vấn đề của người chụp khi phải để ống kính ở độ cao bằng hoặc thấp hơn một chút so với trọng tâm của nhân vật trong khung hình. Nếu bạn quá cao so với người chụp thì khi góc chụp quá thấp sẽ dễ bị hiện tượng hai cằm. Cách tốt nhất để giảm độ cao là mở rộng khoảng cách giữa hay chân. Nhìn ở ngoài thì có vẻ hơi kì cục nhưng thực tế là bạn chỉ được chụp nửa người trên nên cũng không vấn đề gì.
8. Ngừng nói
Tôi đảm bảo một trong những lời đầu tiên mà người được chụp nói với tôi là: “Chị không thích chụp ảnh đâu, chị không ăn ảnh, chả bao giờ có cái ảnh nào ra hồn cả”. Và rồi họ cứ đứng trước ống kính phàn nàn đủ điều về khuôn mặt, đầu tóc, trang phục.
Nếu bạn cho rằng nói ra những điều đó để có bức ảnh hồ sơ đẹp thì đừng. Hãy ngừng nói trong vài phút. Hãy hít một hơi dài và thư giãn. Người chụp nào cũng muốn chụp những bức ảnh thật đẹp và làm hài lòng khách hàng của mình. Ít nhất là bạn hãy cứ tin tưởng họ.
Đôi khi, có những khách hàng im lặng nhưng lại tỏ ra quá căng thẳng thì tôi lại phải tìm cách cho họ nói một vài câu gì đó để họ bớt “cảnh giác” trước ống kính.
9. Mỉm cười
Dễ hơn bạn tưởng nhiều. Bạn thích mình cười như thế nào trong bức ảnh? Môi khép hay mở? Nếu không chắc chắn, hãy hỏi người chụp xem như nào là tốt nhất. Họ có thể chụp thử vài tấm và trao đổi với bạn để tìm ra phương án phù hợp nhất. Hoặc trước đó bạn có thể tự chụp vài kiểu và hỏi bạn bè, người thân của mình.
Mỗi khi tôi đề nghị khách hàng cười trước máy ảnh thì thường có cảm giác hơi gượng. Trông nó không thật, đặc biệt là nó không thể hiện ở đôi mắt. Vì thế, tôi thường làm họ cười bằng những câu hỏi gây cười để có được cảm xúc thực sự của nhân vật. Vì thế, khi chụp ảnh, bạn hãy nghĩ về những chuyện hài hước, thú vị để có được nụ cười thật tự nhiên.
10. Soi gương trước khi chụp
Cuối cùng, tôi thường nhắc khách hàng soi gương trước khi chụp ảnh hồ sơ. Thường là người chụp chưa gặp bạn bao giờ nên họ không biết bạn trông như nào. Vì thế, hãy nhìn lại mình trong gương để biết trông đã ổn chưa: tóc tai có gọn gàng không, cà vạt có bị lệch không, kính có bị lệch hoặc trễ quá không v.v.
Tạm thời là vậy. Có thể sau này tôi sẽ bổ sung thêm một vài điều nữa, nhưng trước mắt đây là những gợi ý mà tôi đã đúc kết được sau nhiều năm.
Mời bạn xem thêm một số ảnh chân dung nghề nghiệp do Paratime Studio thực hiện.
Nếu có thêm các gợi ý khác hoặc thấy có gợi ý ở trên không hiệu quả với mình khi chụp ảnh hồ sơ, mời bạn cho ý kiến trên fanpage của Paratime Studio.
(Paratime Studio dịch từ bài viết “10 tips to look good in business head shots / professional corporate portraits / about me profile shots / staff photos” của Adam Bronkhorst)