Chụp ảnh khác với quy trình sản xuất theo dây chuyền. Ngay cả khi người chụp là một hằng số thì đối tượng được chụp lại luôn là biến số.
Ăn thử được thì liệu có chuyện chụp thử không?
Cách đây không lâu, sau khi nhận được báo giá của Paratime thì một khách hàng doanh nghiệp ngỏ ý muốn “chụp thử” trước khi kí hợp đồng. Không thực sự biết dụng ý của khách hàng này là gì, tôi trả lời thật lòng rằng mình đã gửi hồ sơ năng lực (portfolio) kèm báo giá. Nếu cần phải thử thì hồ sơ đấy cho thấy hàng chục doanh nghiệp lớn đã “thử” và đánh giá chất lượng rồi.
Hoá ra là khách hàng này đã từng thuê một bên đến chụp ảnh (tôi tạm gọi đó là “studio X”). Họ cũng có portfolio rất đẹp. Nhưng thực tế chụp “thì lại xấu”. Đó là lí do mà họ cần phải chụp thử trước.
Hồ sơ năng lực trung thực đến mức nào?
Thông thường, bên cạnh yếu tố giá cả thì hồ sơ năng lực cũng là một yếu tố để khách hàng chọn nhà cung cấp dịch vụ.
Để có ảnh đẹp cho vào hồ sơ thì trước tiên phải chụp ảnh đã. Đấy là lí do mà nhiều người mới vào nghề sẵn sàng chụp với bất kì giá nào, thậm chí chụp không công.
Khi thành lập TIME Studio (nay là Paratime Studio) thì tôi đã có 8 năm trong nghề. Hồi đó có khách hàng hỏi: “Ảnh ở trên website hoàn toàn là do bạn chụp chứ?”. “Đương nhiên là vậy”, tôi ngạc nhiên trả lời. Lúc đấy tôi nghĩ rằng chả có ai lại dùng ảnh của người khác để quảng cáo cho dịch vụ chụp ảnh của mình. Nhưng tôi đã nhầm. Chuyện như vậy đã trở thành một bài phản ánh trên VTV24 và chính tôi là bên bị ăn cắp ảnh.
Nhưng tôi vẫn tin rằng những trò lừa đảo như vậy không phổ biến.
Khi đến tiệm cắt tóc có nhiều thợ, có người sẽ ngồi vào bất kì ghế nào còn trống, nhưng cũng nhiều người chỉ chọn duy nhất một thợ. Dù cho người thợ đấy đang bận cắt cho người khác thì vị khách kia vẫn sẵn lòng ngồi đợi. Đó có thể không phải là người thợ giỏi nhất nhưng lại là người mà vị khách này thấy ưng ý nhất.
Có thể studio X kia cũng có nhiều người chụp và những ảnh trong hồ sơ mà khách hàng thấy thích là do chị A hoặc anh B chụp. Nhưng thực tế người đến chụp lại là anh C.
Tôi không rõ khách hàng kia không bằng lòng với sản phẩm vì lí do gì. Có thể về khách quan thì ảnh cũng đẹp, nhưng nếu không hợp gu khách hàng thì vẫn bị coi là xấu.
Chụp thử có phải là một giải pháp không?
Ở các siêu thị lớn, nhiều nhãn hàng thường xuyên cung cấp sản phẩm dùng thử cho khách hàng. Mặc dù cảm giác cầm cả chiếc bánh trên tay, hít hà mùi hương và cắn ngập răng mới gọi là trải nghiệm đầy đủ, nhưng dù sao thì một mẩu bánh mì vẫn là bánh mì. Quy trình sản xuất công nghiệp giúp bánh ở các mẻ khác nhau về cơ bản là có chung một phẩm chất. Chiếc bánh bạn mua về cũng sẽ có vị ngon như miếng bạn vừa thử. Và nếu không có chuyện đánh tráo thì đây là một phép thử đáng tin cậy.
Nhưng việc chụp ảnh không vận hành cố định như quy trình sản xuất theo dây chuyền. Ngay cả khi người chụp là một hằng số thì đối tượng được chụp lại luôn là biến số. Cùng một toà nhà, cùng một góc chụp nhưng thời tiết khác nhau sẽ cho ra những bức ảnh hoàn toàn khác nhau. Khi chụp chân dung, mỗi người được chụp là một câu chuyện độc đáo mà bạn phải tìm ra lối kể hấp dẫn nhất.
Để có một mẩu bánh cho khách hàng ăn thử, doanh nghiệp phải làm một chiếc bánh hoàn chỉnh. Để làm một chiếc bánh hoàn chỉnh, dây chuyền sản xuất sẽ phải vận hành đầy đủ quy trình. Chụp ảnh cũng thế. Chụp chân dung cá nhân cho một người hay cho một trăm người thì vẫn phải mang từng ấy máy ảnh, ống kính, máy tính, đèn, chân đèn, thiết bị tản sáng, phông nền v.v.
Vậy thì, cũng là một doanh nghiệp, liệu bạn có cho chạy cả dây chuyền chỉ để có một mẩu bánh cho khách hàng ăn thử?
Đề nghị của Paratime
Trước khi có đủ sự tin tưởng để đặt một bữa tiệc thì khách hàng có thể gọi một suất ăn hoàn chỉnh để trải nghiệm từ món ăn đến cung cách phục vụ và không gian nhà hàng.
Khi đã biết lí do muốn chụp thử của khách hàng, tôi đề nghị tách riêng một nội dung ra để chụp trước. Rất tiếc là khách hàng nói rằng “như thế thì mất thời gian quá” và vẫn chỉ muốn “chụp 3 – 5 cái để test”.