Cơ hội thành công sẽ luôn cao hơn nếu có sự chuẩn bị. Bức ảnh chân dung nghề nghiệp có thể là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện bộ hồ sơ hoàn hảo của bạn.
Chân dung nghề nghiệp: Vài gợi ý trước buổi chụp
Cho dù là việc nhỏ hay lớn, cơ hội thành công sẽ luôn cao hơn nếu có sự chuẩn bị. Hoặc tệ hơn là không biết mình cần chuẩn bị những gì, hay nói như Benjamin Franklin: Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại (By failing to prepare, you are preparing to fail). Bức ảnh chân dung nghề nghiệp có thể là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện bộ hồ sơ của bạn. Vậy bạn sẽ phải chuẩn bị những gì để có một bức ảnh chân dung hoàn hảo?
Trong bài này
1. Xác định nhu cầu
Cho người chụp biết bạn muốn kiểu ảnh như thế nào. Bạn đang mong chờ và dự định gì? Chuyên nghiệp hào nhoáng, thân thiện và giản dị, cổ điển, sành điệu và hợp mốt, hoặc gì đó khác? Có hàng trăm cách để chụp ảnh bạn. Đâu là “phiên bản” mà bạn muốn cho công chúng thấy?
Nếu dùng ảnh cho cả các ấn phẩm của cơ quan/công ty, bạn hãy tìm hiểu xem công ty mình có hướng dẫn, tiêu chuẩn gì về chân dung nghề nghiệp không. Một số công ty nước ngoài quy định khá cụ thể về tạo dáng, phông hoặc màu nền, thậm chí cả bố trí ánh sáng. Nếu có, hãy gửi trước cho người chụp để họ chuẩn bị.
2. Trang phục
Luôn mang theo trang phục dự phòng (áo ngoài, sơ mi, cà vạt). Đảm bảo quần áo sạch sẽ, không nhăn nhúm và vừa vặn. Quan trọng là bạn phải thấy thoải mái khi mặc đồ.
Áo vest (suit jacket) nên có tông màu sẫm, không có hoạ tiết mạnh. Tông màu sẫm giúp người xem tập trung vào khuôn mặt của bạn nhiều hơn. Ngược lại, trang phục quá sáng màu, có hoạ tiết mạnh thường sẽ gây mất tập trung.
Màu vest thông thường là đen (nhưng đừng đen nhức mắt), xám đen. Những gam trầm của các màu xanh lá cây, tía, thiên thanh cũng khá phù hợp. Nâu, be và những màu tương tự thì hơi nhàm chán quá. Nếu bạn làm cho những công ty bất động sản với vest đồng phục màu đỏ tươi, vàng rực thì tôi thực sự là muốn chia sẻ nỗi niềm.
Trừ khi bạn là nghệ sĩ trình diễn, những bộ quần áo sáng bóng hoặc lấp lánh thì tốt nhất là cất đi.
Nếu không mặc vest hoặc áo khoác ngoài, bắt buộc bạn phải mặc áo sơ mi dài tay. Có thể bạn có bắp tay của một vận động viên thể hình, nhưng mùa đông mà nhìn ảnh áo cộc tay thì ai cũng thấy lạnh. Ngoài ra, áo dài tay cũng giúp người xem tập trung vào khuôn mặt bạn hơn.
Áo sơ mi nên dùng tông màu từ trung tính tới sẫm, và chỉ một màu thôi. Không hoạ tiết mạnh, không hoa hoét và không dùng những màu quá rực rỡ, đặc biệt là khi không có áo khoác ngoài. Mặc áo sơ mi hoặc bờ lu trắng mà không có áo ngoài luôn tạo cảm giác chưa hoàn thiện và không tập trung vào khuôn mặt. Các hoạ tiết có thể làm bức ảnh nhanh chóng trở nên lỗi thời. Và trông cũng không được trang trọng, đúng kiểu doanh nhân.
Tránh xa sơ mi các màu nâu, be trừ khi bạn muốn có một diện mạo nhàm chán, nhạt nhẽo.
Nếu không mặc cùng với áo ngoài, thì sơ mi phải có cổ. Cổ áo giúp người xem hướng đến khuôn mặt. Áo không cổ tạo cảm giác thiếu hụt và không chuyên nghiệp. Với phụ nữ, mặc áo không cổ với áo vest thì vẫn ổn.
3. Bạn vẫn không biết nên mặc gì?
Nếu bạn vẫn băn khoăn không biết nên mặc gì, hãy thử mặc trước ở nhà, đứng trước gương để tự chụp thử vài kiểu rồi gửi cho người chụp ảnh xem trước. Người chụp ảnh sẽ tư vấn cho bạn. Ảnh chân dung là để thể hiện con người bạn chứ không phải để khoe trang phục.
Các màu có sắc độ mạnh trên nền trắng có thể trông chói mắt. Nếu biết rằng mình sẽ được chụp trên nền trắng hoặc tông màu sáng, bạn hãy thử mặc màu nhẹ nhàng hơn.
Nếu mặc toàn màu đen, một số kiểu trang phục sẽ khiến bạn trông như đang đóng vai ma cà rồng.
Mặc toàn đồ trắng thì cũng được nếu bạn là đầu bếp hoặc vận động viên tennis. Dù có thế thì cũng nên mang đồ dự phòng.
4. Phụ kiện
Cà vạt không bắt buộc phải có, nó còn tuỳ vào nghề nghiệp. Cà vạt có thể có màu sáng hoặc hoạ tiết. Đừng dùng loại có chữ hoặc logo. Nếu bạn cần đeo cà vạt thì nên mang nhiều để lựa chọn. Thay đổi cà vạt là cách dễ nhất để có những bức ảnh khác nhau.
Dùng khăn thì không phải là không được nhưng hãy nên chụp cả phương án không khăn. Đeo khăn có thể làm rõ nhược điểm hai cằm hoặc cổ ngắn. Nó cũng làm giảm sự tập trung vào khuôn mặt.
Nếu bạn đeo kính thì cũng không vấn đề gì trừ khi đó là kính màu hoặc nó chắn ngang mắt của bạn. Nếu bạn muốn, tôi sẽ chụp cả có kính lẫn không kính.
Không đội mũ, không kính râm.
Trang sức cỡ lớn hoặc các phụ kiện có thể làm bức ảnh nhanh chóng lỗi mốt theo. Thậm chí hút hết sự chú ý của người xem. Vì thế cần phải lựa chọn cẩn thận. Xin nhắc lại, chân dung là khuôn mặt và biểu cảm của bạn chứ không phải trang sức đắt tiền.
Tránh áo khoét ngực sâu, áo không dây, áo ba lỗ, áo phông, cổ áo phồng to, áo thể thao.
5. Trang điểm và làm tóc
Nếu làm tóc, nhuộm trước thì phải làm trước khi chụp khoảng một tuần. Nên mang lược của mình theo.
Cân nhắc việc dùng mi giả.
Không trang điểm sáng bóng, lấp lánh.
Chỉ cần trang điểm nhẹ nhàng là đủ. Vì nếu trang điểm đậm mà không khéo thì lên ảnh có thể thấy rõ từng lớp phấn hoặc mascara vón cục. Không son môi đỏ chói, không mắt khói. Diện mạo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất cho một bức chân dung nghề nghiệp. Bạn nên mang theo đồ trang điểm để có thể chỉnh sửa khi chụp.
Với nam giới, nếu chụp vào cuối ngày thì nên mang theo dao cạo để đề phòng râu ria mọc quá nhanh.
6. Thời gian chụp
Có thể bạn đã biết, thời gian tệ nhất để chụp ảnh là ngay đầu giờ làm việc buổi sáng (khi mà ai cũng phải có thời gian khởi động), hoặc là ngay trước giờ tan tầm (khi ai cũng vội về nhà). Các thời điểm không phù hợp nữa có thể kể như: giờ ăn trưa, ngay trước cuộc họp quan trọng,… Giữa buổi sáng thường sẽ tốt hơn giữa buổi chiều, nhưng quan trọng là lịch chụp luôn phải phù hợp với lịch làm việc của bạn.
Đảm bảo bạn có đủ thời gian để đến và chụp. Các dấu hiệu của sự vội vàng sẽ dễ dàng thể hiện trên khuôn mặt của bạn.
7. Những gợi ý khác
Nếu bạn thường dùng một loại thuốc nhỏ mắt nào đó để rửa mắt thì có thể dùng trước buổi chụp. Nhưng nếu chưa dùng bao giờ thì hãy dùng thử sau. Vì không ít khả năng là bạn sẽ bị dị ứng và lỡ mất buổi chụp.
Bạn sẽ được tôi đề nghị mỉm cười khi chụp. Một diện mạo thân thiện rất quan trọng và không chỉ có nụ cười mà còn cần cả ánh mắt để tạo ra điều đó. Cảm nhận từ ảnh chân dung nghề nghiệp phải là tinh thần tích cực.
Mọi bức ảnh chân dung đều cần ít nhất một chút chỉnh sửa như: làm sáng mắt và răng, xoá vài sợi tóc vương trên mặt, loại bỏ một số nhược điểm trên khuôn mặt, xử lí một số điểm bị sáng bóng trên da mặt, giảm bớt nếp nhăn. Tìm hiểu thêm về việc chỉnh sửa ảnh ở Paratime Studio.
Không ai thấy mình như người ngoài thấy. Việc chỉnh sửa quá đà cần phải tránh xa. Bức ảnh chân dung chỉ đẹp khi nó thể hiện bạn ở khoảnh khắc đẹp, chứ không phải là một hình mẫu trong mộng tưởng.