Dù bạn đã bỏ ra mấy trăm đô để mua phần mềm tether thuộc loại tốt nhất nhưng nếu không có cáp dữ liệu đủ tốt thì vẫn mất kết nối như thường.
Chụp ảnh kết nối máy tính: Để có đường truyền ổn định
Một trong những điều phiền toái khi chụp ảnh kết nối máy tính (tethered capture) là mất tín hiệu hoặc kết nối không ổn định. Hậu quả của nó là gây gián đoạn buổi chụp, không chỉ mất thời gian mà còn gây xáo trộn cảm xúc cũng như những căng thẳng không cần thiết ở cả người chụp lẫn người được chụp. Thậm chí, nó có thể gây treo máy và tệ hơn là bị mất ảnh.
Nếu vấn đề này liên tục xảy ra trong buổi chụp thì giải pháp tốt nhất lúc đó là… rút dây để chụp tiếp. Để khai thác được những lợi ích của chụp ảnh kết nối máy tính, trước buổi chụp, bạn phải chuẩn bị tốt cả phần mềm lẫn phần cứng.
Lựa chọn phần mềm chụp ảnh tether
Có hàng tá phần mềm để bạn lựa chọn, bao gồm cả phần mềm miễn phí lẫn phần mềm đắt tiền, cả kết nối có dây lẫn không dây. Là một người dùng Canon, tôi thấy phần mềm Canon Utility (tặng kèm) hoạt động cũng khá tốt. Nhưng nếu nhu cầu của bạn không chỉ là chụp và lưu ảnh trực tiếp vào máy tính thì những phần mềm của hãng là không đủ.
Được sử dụng phổ biến nhất vẫn là Capture One và Lightroom. Dù gần đây đã có nhiều cải thiện về tính năng tether nhưng Lightroom vẫn tỏ ra kém ổn định hơn so với Capture One. Vì thế, dù đang dùng Lightroom nhưng tôi vẫn phải cố tiết kiệm tiền ăn sáng (và nhiều bữa trưa) để có 300USD mà mua Capture One 🙁
Sắm sợi dây USB tốt nhất
(Mặc dù ở trên tôi có đề cập đến cả kết nối không dây, nhưng với những bức ảnh raw tầm 50MB thì tốc độ wifi hiện nay vẫn chưa đủ nhanh cho các buổi chụp thông thường. Hiệu quả nhất vẫn phải là cáp dữ liệu chuẩn USB 3.x)
Bạn đã mua được phần mềm xịn cỡ như Capture One nhưng càng ngày càng hay gặp sự cố ngắt kết nối. Mỗi khi mất tín hiệu, bạn phải tắt rồi bật lại máy ảnh hoặc rút ra, cắm lại dây nối rồi hi vọng nó sẽ hoạt động trở lại. Đấy là lúc bạn cần phải sắm sợi dây khác, tốt hơn.
Dù phần mềm có tốt đến mấy, nhưng nếu phần cứng kém quá thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Chỉ có điều, ở Việt Nam đôi khi rất khó để kiếm được một sợi dây USB đủ dài, tốt và bền để đáp ứng nhu cầu này. Tôi đã từng phải đợi gần mười ngày để nhập về một sợi dây của Tether Tools, trong đó tiền vận chuyển và thuế chiếm gần nửa chi phí đơn hàng. Thật may là sợi dây đó cũng đáp ứng được kì vọng ban đầu.
Xử lí những vấn đề lặt vặt khác
Giữ chắc và ổn định đầu nối với máy tính và đầu nối với máy ảnh. Khi bạn di chuyển thì dây sẽ bị kéo theo và rất có thể làm lung lay đầu nối hoặc tuột dây. Trường hợp tệ nhất là nó có thể làm hỏng chân cắm trên máy ảnh.
Nếu thấy phụ kiện giữ dây (jerk stopper) của Tether Tools đắt một cách vô lí thì bạn có thể tự chế theo hàng chục cách khác. Cách của tôi gần như chả mất đồng nào vì chỉ cần một sợi dây chun và một đầu nối của Peak Design sẵn có (hoặc bạn có thể dùng một chiếc kẹp giấy cũng được).
Cũng liên quan đến đầu nối, bạn nên nối trực tiếp máy ảnh vào máy tính qua một sợi dây duy nhất chứ không qua đầu chuyển đổi hoặc nối nhiều dây với nhau. Càng có nhiều mối nối, nguy cơ mất ổn định càng cao.
Nếu máy tính của bạn đã cũ thì không loại trừ khả năng cổng USB có vấn đề. Hãy thử chuyển qua các cổng khác nhau.
Thẻ nhớ có (nhiều) ảnh cũng là một vấn đề. Tốt nhất là bạn nên cắm thẻ không có dữ liệu hoặc tháo thẻ ra khi chụp.
Xung đột giữa các phần mềm. Nếu bạn đã có Capture One hoặc Lightroom thì phải tắt tính năng tự động chạy hoặc tốt nhất là không cài Canon Utility.
Một số người cho rằng phần mềm Backup and Sync của Google cũng gây ra xung đột. Tuy nhiên, tôi thường xuyên đưa ảnh lên mây ngay khi chụp bằng phần mềm này mà không gặp vấn đề gì.
Các chế độ tiết kiệm điện trên máy tính và trên máy ảnh cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới kết nối. Vì thế bạn nên kéo dài thời gian chờ hoặc tạm thời tắt các tính năng này.
Sau nhiều buổi chụp bạn cũng nên khởi động lại ứng dụng hoặc khởi động lại máy tính.
Trước khi cập nhật phần mềm hoặc hệ điều hành thì tốt nhất là bạn nên tìm hiểu xem liệu có vấn đề gì về khả năng tương thích không. Tức là bạn sẽ phải tắt tính năng tự động cập nhật hệ điều hành, đặc biệt là với macOS. Và dù nhiều người bảo là không có vấn đề gì thì cũng đừng bao giờ cập nhật phần mềm ngay trước buổi chụp. Tôi nhắc lại: Đừng bao giờ nhé!
Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.