Dự án ảnh tư liệu “Bộ tứ siêu đẳng”

Về mặt nội dung, cách thể hiện này cho thấy tình huống rõ ràng không phải là một hiện tượng đơn lẻ, ngẫu nhiên mà nó là chuyện phổ biến, lặp đi lặp lại, ít nhất là bốn lần.

Dự án Những bộ tứ siêu đẳng

Dự án ảnh tư liệu “Bộ tứ siêu đẳng”

Hình ảnh xe máy được chụp chính diện từ trên cao xuống trong “Bộ tứ siêu đẳng” không phải là một ý tưởng mới. Tôi đã bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ cuối năm 2014. Nó được bắt nguồn sau nhiều lần đi trên cầu bộ hành ngay trước cổng cơ quan cũ. Mỗi khi đứng trên cầu nhìn xuống, tôi thấy một cảm nhận khác hẳn lúc đứng nhìn từ bên đường hay ngay cả từ các toà nhà. Bởi vì chiếc xe chỉ cách vài mét dưới chân mình, lướt qua rất sống động trên mặt đường. Không khác gì một chân dung nổi bật trên phông nền màu xám.

Ý tưởng cơ bản thì là thế, nhưng để có một bộ ảnh tư liệu thực sự thì phải có câu chuyện, có chủ đề. Chủ đề đầu tiên của tôi là về tư thế ôm của người ngồi sau. Để làm dự án này, ngoài sự kiên nhẫn thì cần rất nhiều thời gian mà một viên chức như tôi khi đó thì không thể đứng hàng giờ ngoài đường để làm việc riêng như thế. Ngay cả sau đó không lâu, khi đã chuyển sang làm nhiếp ảnh tự do, tôi vẫn không có điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình.

Bốn người đàn ông suy tư. Hà Nội, hơn 4 năm trước, tháng 11 năm 2014.

Năm 2016, khi xem qua bộ ảnh chụp các xe chở hàng rong (“Merchants in Motion”) của Loes Heerink với bố cục tương tự, tôi nghĩ nếu mình có làm tiếp thì cũng phải có điểm gì đó khác biệt. Và những bộ tranh tứ bình đã cho tôi một gợi ý. Về mặt thị giác, việc sắp xếp 4 ảnh như vậy sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn cho người xem. Về mặt nội dung, cách thể hiện này cho thấy tình huống rõ ràng không phải là một hiện tượng đơn lẻ, ngẫu nhiên mà nó là chuyện phổ biến, lặp đi lặp lại, ít nhất là bốn lần. Tuy nhiên, để có thể thực hiện điều này, tôi sẽ phải mất thêm nhiều thời gian hơn và vất vả hơn so với cách thông thường.

Thu gom cơm thừa canh cặn, Hà Nội, 2018.
Mo-bike phone. Hà Nội, 11/2018.
Xe không yếm, xe cởi truồng. Hà Nội, 11/2018.

Rất may là nửa cuối tháng 11 năm nay tôi lại khá rảnh rỗi, còn điều kiện thời tiết cũng thuận lợi để có thể đứng chụp lâu ngoài đường. Và nhất là ở gần nhà đã có thêm nhiều cầu bộ hành. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 10 ngày là tôi đã có hơn 10 sản phẩm đầu tiên cho “Bộ tứ siêu đẳng”.

Đi chơi cuối tuần. Hà Nội, 11/2018.
“Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời”
(Bùi Sim Sim)
Một sáng ngược nắng, Hà Nội, 11/2018.
Không đội mũ không phải vì quên không mang mũ
Vội quá phóng ngay chẳng kịp đội vào
Hà Nội, 11/2018

Các chủ đề được xác định nhờ kinh nghiệm thực tế và không ít chủ đề nảy sinh trong quá trình chụp. Mỗi lần đi chụp, thay vì thấy gì chụp nấy rồi chọn lọc sau, tôi thường tập trung vào một vài chủ đề nhất định. Nhờ thông thuộc địa bàn, nắm bắt được sự phân bố dân cư, thói quen đi lại và bố trí giao thông, nên thay vì phải dựa hoàn toàn vào sự may mắn, tôi có thể khoanh vùng địa điểm và thời gian để có tình huống phù hợp với chủ đề.

Đừng tưởng chỉ xế hộp mới có chỗ tì tay nhé. Hà Nội, 11/2018.
Bốn cái ôm từ phía sau, thật chặt :v
Hà Nội, 11/2018
Chị ninja không mặc áo hoa. Hà Nội, 11/2018.
Không lối thoát. Hà Nội, 11/2018.
Xe đạp. Hà Nội, 11-12/2018.
Anh chở em che. Hà Nội, 11-12/2018
Tóc gió thôi bay. Hà Nội, 11-12/2018.
Người phân làn. Hà Nội, 11-12/2018.

Trừ khi mật độ giao thông quá đông, góc chụp này giúp người chụp dễ dàng tách riêng nhân vật ra khỏi những phương tiện xung quanh. Đồng thời nó cũng làm giảm nhiều khả năng nhận dạng nhân vật. Tuy nhiên, do mặt đường quá rộng, các phương tiện di chuyển nhanh và không theo làn nên nhiều khi tôi chỉ biết đứng nhìn hoặc chụp với theo vì không “đuổi” kịp để có góc chụp như ý muốn.

Trông ai như người quận 2 Sài Gòn mới ra. Hà Nội, 11-12/2018.
Xe quá khổ vì quá khổ. Hà Nội, 11-12/2018.
Chuộng tự do, ghét sự ràng buộc. Hà Nội, 11-12/2018.

Dự án vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. Các bạn có thể theo dõi ảnh mới trong album “Những bộ tứ siêu đẳng” trên trang Facebook cá nhân của tôi.


Phóng sự của VTC14 về dự án “Bộ tứ siêu đẳng”
Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.
Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: chụp ảnh tư liệu, dự án
Bài trước
Kinh nghiệm chuẩn bị cho chụp ảnh chân dung tại địa điểm
Bài sau
Theo kịp với thời đại

1 Comment.

Comments are closed.