Đưa ảnh raw lên mây ngay khi chụp

Tuy cấu hình ban đầu phức tạp hơn một chút nhưng bù lại là sự tiện lợi khi chia sẻ và cảm giác yên tâm khi dữ liệu được bảo vệ an toàn trên đám mây.

Đưa ảnh raw lên mây ngay khi chụp

Khi chụp ảnh tether, tôi thường sao lưu một bản sang ổ cứng ngoài. Việc này vừa giảm rủi ro mất dữ liệu vừa thuận tiện cho việc sao chép sang máy khác. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp tối ưu.

Là một người “lười”, tôi luôn tìm cách tự động hoá những việc lặp đi lặp lại. Nếu dùng ổ cứng ngoài thì công việc sẽ như sau:

  • cắm ổ cứng ngoài vào máy tính ở studio;
  • cấu hình phần mềm sao lưu;
  • đem ổ cứng về nhà để sao chép, lưu trữ hoặc xử lí ảnh;
  • đem ổ cứng đến studio.

Ở mỗi bước trên đều có những phiền phức, rủi ro nhất định. Ví dụ như nếu để quên ổ cứng ở studio hoặc ở nhà thì công việc có thể bị gián đoạn.

Chụp ảnh tether là ảnh được lưu trên máy tính ngay sau khi chụp. Việc sau đó là phải chép một bản sao sang máy tính khác, cụ thể là máy tính ở nhà. Thay vì dùng ổ cứng ngoài, tôi sẽ dùng một dịch vụ lưu trữ đám mây làm trung gian. Ảnh chụp từ studio được đưa lên đám mây; từ đám mây được chép vào ổ cứng mạng (NAS) ở nhà và cả một chiếc iMac nếu nó được “đánh thức”. Và tất cả đều là tự động.

Tự động sao lưu bằng Backup and Sync của Google

Dịch vụ đám mây tôi chọn là Google Drive, công cụ sao lưu là phần mềm Backup and Sync.

Trên máy tính ở studio, tôi cấu hình để phần mềm Backup and Sync (2) chỉ đồng bộ hai thư mục (1). Bao gồm thư mục lưu ảnh chụp tether và thư mục để xuất ra ảnh JPG cho khách hàng lựa chọn.

Còn ở máy chủ NAS, tôi dùng ứng dụng Cloud Sync (3) để tự động tải dữ liệu về từ thư mục tương ứng trên Google Drive.

Sync photos from a local computer to Google Drive and a remote NAS
Cấu hình Backup and Sync để tự động đồng bộ ảnh ngay khi chụp

Mỗi khi có ảnh mới thì phần mềm sẽ tự động gửi ảnh lên Google Drive và máy chủ NAS tự động tải ảnh về. Nếu không dùng NAS thì bạn có thể cài phần mềm Backup and Sync cho máy tính ở nhà, nhưng máy tính này sẽ chỉ đồng bộ khi được mở và không ở chế độ ngủ.

Tốc độ đồng bộ thực tế

Tốc độ tải lên Google Drive tại Paratime Studio vào khoảng 6 – 8MB/s. Mỗi ảnh raw chụp bằng máy Canon 5D mark IV có dung lượng khoảng 35 – 45MB. Như vậy, nếu cộng thêm khoảng nửa giây để ảnh được chuyển từ máy ảnh vào máy tính thì sau khoảng 6 – 8 giây là ảnh đã được lưu trên đám mây. Và thêm chừng đó thời gian nữa để được lưu về máy tính ở nhà.

Tuy nhiên, đó chỉ là tính toán lí thuyết vì phần mềm cần phải đối chiếu các tập tin, chưa kể phải đồng bộ kèm hàng loạt những tập tin cấu hình khác nếu như bạn chụp bằng Capture One. Video dưới đây là quá trình đồng bộ thực tế.

Quá trình đồng bộ một bức ảnh kèm các tập tin cấu hình của Capture One

Như vậy thực tế là phải mất 26 giây kể từ lúc chụp thì mới đồng bộ từ máy tính lên đám mây và thêm khoảng 24 giây để đồng bộ với NAS. Nếu trung bình mỗi phút chụp hai ảnh thì bạn chụp đến đâu máy sẽ đồng bộ xong đến đấy. Tất nhiên, nếu bạn có chụp nhanh hơn thì đây cũng không phải vấn đề gì đáng quan tâm vì thường bạn sẽ phải ngồi lại để xem hoặc chọn ảnh.

Đánh giá chung

Giải pháp trên phù hợp với nơi có kết nối mạng nhanh và ổn định. Nếu đường truyền chậm hoặc chụp ở nơi không có wifi thì tốt nhất là dùng ổ cứng ngoài.

Với giải pháp này, bạn sẽ phải mua dịch vụ lưu trữ đám mây có dung lượng đủ lớn để có thời gian tổ chức dữ liệu. Dung lượng 15GB miễn phí của Google thường là sẽ hết sau một vài buổi chụp nhỏ. Tuỳ theo nhu cầu của mình, bạn có thể mua gói 100GB hoặc 200GB với chi phí hàng tháng lần lượt là 45.000đ và 69.000đ. Rất hiếm khi tôi chụp đến 100GB trong một ngày, và nếu nhiều như vậy thì thường là các dự án ở bên ngoài studio. Còn tại studio do chủ yếu chỉ chụp ảnh chân dung cho cá nhân nên thường cũng không quá 10GB/ngày.

Với điện thoại thông minh như iPhone chẳng hạn, ngay sau khi chụp là ảnh của bạn đã có thể được tự động đưa lên iCloud hoặc dịch vụ khác như Google Photos. Còn với máy ảnh thì tuy có phức tạp và tốn kém hơn một chút nhưng bù lại là sự tiện lợi khi chia sẻ và cảm giác yên tâm khi dữ liệu được bảo vệ an toàn.


Phạm Thành Long là một người chụp ảnh thương mại và tư liệu ở Hà Nội. Anh đã có kinh nghiệm làm việc với hàng chục tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sẵn sàng cùng khách hàng xây dựng một thư viện hình ảnh để doanh nghiệp có thể khai thác trong nhiều năm.

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: cloud, giải pháp, kinh nghiệm, sao lưu, tether
Bài trước
COVID-19 ảnh hưởng như nào tới ngành nhiếp ảnh?
Bài sau
Quá trình chuẩn bị cho buổi chụp chân dung chuyên nghiệp

1 Comment.

Comments are closed.