Bài viết đưa ra công thức tính giá tổng quát và trả lời vấn đề mà khách hàng thường hỏi: Tại sao tôi bỏ tiền ra để thuê chụp mà lại phải trả thêm chi phí để được sử dụng ảnh?
Giải mã báo giá chụp ảnh
Khi lập báo giá chụp ảnh, ngoài chi phí sản xuất, người chụp ảnh thương mại tính giá dựa trên chi phí sáng tạo và chi phí bản quyền (còn gọi là chi phí sử dụng). Một số người sẽ ghi riêng từng loại chi phí, một số người lại gộp cả hai thành một con số.
Công thức tính giá sẽ là:
Chi phí sáng tạo + Chi phí bản quyền + Chi phí sản xuất = Giá
Chi phí sáng tạo phụ thuộc vào tính phức tạp của yêu cầu, thời gian thực hiện, tài năng và kinh nghiệm của người chụp cũng như chi phí duy trì công việc của người chụp.
Chi phí bản quyền phụ thuộc vào mục đích, cách thức và thời gian sử dụng ảnh của khách hàng.
Chi phí sản xuất là chi phí bỏ ra để tổ chức sản xuất, ví dụ: khảo sát, thuê mướn nhân sự, thiết bị, đạo cụ, tiền ăn ở đi lại, xử lí hậu kì,…
Thông thường, chi phí sáng tạo là nguồn tài chính để người chụp trang trải cho cuộc sống và công việc, còn chi phí bản quyền mới là phần lợi nhuận thu được.
“Vô lí! Tại sao tôi lại phải trả thêm chi phí bản quyền?”
Ở Việt Nam, nhiều khách hàng thường ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy mục “chi phí bản quyền” hoặc “chi phí sử dụng” trong báo giá chụp ảnh. Họ cho rằng mình đã bỏ tiền ra thuê người chụp sáng tạo thì nghiễm nhiên họ có quyền sử dụng ảnh một cách tuỳ ý và thậm chí phải là người giữ bản quyền.
Hãy thử so sánh với việc thuê xe. Bạn sẽ phải trả hai loại phí: chi phí thuê xe và chi phí vận hành.
Chi phí thuê xe thường được tính theo thời gian. Chi phí này không phụ thuộc vào việc bạn sử dụng xe như nào. Kể cả bạn thuê xe về mà không đi đâu thì bạn vẫn mất từng ấy tiền. (Tất nhiên, giá trị đem lại ứng với số tiền bỏ ra thuê là không cao).
Chi phí vận hành xe thường bao gồm tiền xăng, phí cầu đường, tiền gửi xe, tiền sửa chữa (nếu không may). Rõ ràng là càng đi nhiều thì càng tốn.
Trong phép so sánh này, chi phí sáng tạo của người chụp ảnh sẽ tương ứng với chi phí thuê xe. Chi phí sáng tạo dùng để trả cho người chụp ảnh thực hiện yêu cầu của khách hàng (tạo ra bức ảnh). Chi phí đó không phụ thuộc vào việc sau này khách hàng sẽ dùng ảnh ra sao.
Còn chi phí bản quyền sẽ tương ứng với chi phí vận hành. Ảnh càng được dùng nhiều thì chi phí bản quyền sẽ càng lớn.
Trong trường hợp khách hàng vẫn muốn sở hữu bản quyền ảnh thì việc họ cần làm là phải trả thêm rất nhiều tiền. Điều này cũng giống như là mua xe thay vì thuê xe vậy.
Comments are closed.
1 Comment.
[…] Tại sao lại có chuyện như vậy? Xem lời giải trên Paratime Studio. […]