Giãn cách xã hội có thể là hai tuần để bạn làm mới mình và sẵn sàng cho những dự án đang chỉ chờ điều kiện cho phép là triển khai.
Giãn cách xã hội thì nhiếp ảnh gia sẽ làm gì?
Cuối tháng 7/2021, khi mà số ca mắc COVID-19 ở Sài Gòn chưa có dấu hiệu giảm thì Hà Nội cũng phải giãn cách. Trong ít nhất 14 ngày hầu như chỉ ở nhà, là một người kiếm sống bằng nghề chụp ảnh, bạn sẽ làm gì?
Trong bài này
1. Chụp ảnh
Nếu không phải là phóng viên ảnh của các cơ quan báo chí thì bạn không được thoải mái đi ra ngoài để chụp ảnh. Thực ra thì bạn cũng có thể tranh thủ chụp trong lúc đi mua thực phẩm, nhưng điều này là không nên vì càng ở ngoài lâu thì càng thêm khả năng bị lây nhiễm.
Tốt nhất là chụp ảnh ở nhà. Nghe có vẻ hơi nhàm chán, mà đúng là chán thật vì người chụp ảnh có xu hướng tìm đến những điều mới lạ. Có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi biết có không ít nhiếp ảnh gia dù chụp cho rất nhiều người nhưng lại quên mất không chụp ảnh chân dung cho người thân trong nhà. Một phần cũng chính là vì người nhà thì quá quen thuộc rồi. Nếu bạn cũng rơi vào tình huống như này thì đây là cơ hội tốt để bạn làm cái việc tưởng như là hiển nhiên đó.
Nhưng dù gia đình bạn có đông đến mấy thì chụp một hai ngày là cũng hết lượt. Trừ khi bạn muốn làm hẳn một dự án 14 ngày, bạn sẽ phải chuyển qua các đối tượng khác. Vật nuôi, hoa lá, cỏ cây, thức ăn hay các tĩnh vật khác đều có thể “làm mẫu” để bạn giải quyết nhu cầu bấm máy của mình.
2. Học các kĩ thuật và kĩ năng mới
Thông thường thì dưới sức ép của tiến độ, bạn sẽ làm việc theo cách mà bạn thấy an toàn và hiệu quả nhất. Điều này có thể tốt cho công việc trước mắt, nhưng xét về lâu dài thì nó lại làm hạn chế khả năng sáng tạo của bạn.
Thời gian giãn cách là dịp để bạn thử nghiệm, cập nhật và học hỏi các kĩ năng mới. Bên cạnh các thử nghiệm về ánh sáng hay kĩ thuật xử lí hậu kì thì bạn có thể học thêm về tiếp thị, kinh doanh và các kĩ năng liên quan khác.
Ví dụ như bức ảnh này dù đã chụp tư liệu từ hơn hai tháng trước nhưng chỉ đến khi giãn cách tôi mới có thời gian để hoàn thiện:
Bản thân việc chụp ảnh người thân hay chụp tĩnh vật cũng là cơ hội để bạn thực hành những kĩ thuật này. Ngoài việc tự thử nghiệm, bạn cũng có thể tìm đọc các bài viết trên mạng, xem Youtube hoặc tham gia các khoá học trực tuyến (miễn phí hoặc thu phí).
3. Biên tập các tài liệu tiếp thị
Giãn cách cũng là thời gian lí tưởng để bạn cập nhật trang Facebook và các trang mạng xã hội khác.
Nếu chưa có website hoặc website đã cũ, đây cũng là lúc phù hợp để bạn xây mới hoặc cập nhật website của mình. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng khi tự làm website. Bởi vì rất có thể khi bạn ngẩng mặt lên thì 14 ngày giãn cách đã qua từ lâu rồi.
4. Cập nhật hồ sơ năng lực
Hồ sơ năng lực (portfolio) không chỉ là căn cứ để khách hàng đánh giá khả năng của bạn mà nó cũng là thứ giúp bạn nhìn nhận về chính mình.
Đây là tập hợp những bức ảnh tốt nhất mà bạn đã chụp và cũng là phương tiện để bạn thể hiện phong cách và tầm nhìn của mình. Lúc chọn ảnh để làm hồ sơ năng lực cũng là lúc bạn đang tự đặt mình vào vị trí của người sử dụng ảnh. Khi đó, bạn sẽ biết sắp tới mình cần phải chụp như thế nào để tiếp tục hoàn thiện bản thân.
5. Sắp xếp dữ liệu và bảo trì thiết bị
Nếu bình thường bạn hay gặp khó khăn khi tìm kiếm ảnh cũ (để làm portfolio chẳng hạn) thì giãn cách là khoảng thời gian rảnh hiếm có để bạn có thể sắp xếp lại dữ liệu của mình.
Tương tự như vậy, bạn cũng có thể tính đến việc bảo trì và sắp xếp lại thiết bị. Rất có thể bạn sẽ làm trống được vài chục GB cho chiếc Macbook lúc nào cũng trong tình trạng sắp đầy ổ cứng.
Nói tóm lại
14 ngày giãn cách có thể sẽ là hai tuần quanh quẩn, nhàm chán với nhiều người. Nhưng cũng có thể là hai tuần để bạn làm mới mình và sẵn sàng cho những dự án đang chỉ chờ hết giãn cách là thực hiện.
Và điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo các biện pháp an toàn để tránh bị lây nhiễm bệnh.