Chân dung nhà lãnh đạo biến một tập đoàn thành một cá nhân, và nó làm thân thiết hơn mối quan hệ vốn chủ yếu dựa vào trao đổi hàng hoá và dịch vụ.
Nghệ thuật của ảnh chân dung lãnh đạo
Một công ty thành công có thể là sự kết hợp của đội ngũ nhân viên, công việc và sản phẩm, nhưng gương mặt của công ty thường được đại diện thông qua chân dung lãnh đạo. Đó có thể là giám đốc điều hành, các thành viên hội đồng thành viên, hay những người có quyền đưa ra quyết định quan trọng. Cổ đông, khách hàng và đối tác quan tâm đến thương hiệu của công ty, nhưng họ còn muốn biết gương mặt của người đứng đằng sau những chiến lược. Như người ta vẫn nói, “trông mặt mà bắt hình dong”.
Chân dung lãnh đạo: Quan trọng hơn bao giờ hết
Ở thời đại mà rất nhiều doanh nghiệp được quản trị từ xa, khi mà có thể đi đến thoả thuận với những người ở bên kia đại dương mà bạn chưa bao giờ gặp trực tiếp, thì một bức chân dung miêu tả chính xác người điều hành công ty cũng như cho thấy sự chuyên nghiệp, tận tâm và đáng tin là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Chân dung nhà lãnh đạo biến một tập đoàn thành một cá nhân, và nó làm thân thiết hơn mối quan hệ vốn chủ yếu dựa vào trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Điều này không phải là chuyện có thể làm được bằng việc dùng ảnh sẵn có trên mạng (stock) hay bất kì cách nào khác ngoài việc thuê một người chụp ảnh chuyên nghiệp.
Và không phải nhiếp ảnh gia nào cũng chụp được
Bất kì nhiếp ảnh gia nào cũng có thể chụp được bức ảnh thể hiện bề ngoài của nhân vật. Nhưng một người chuyên chụp chân dung nghề nghiệp có thể làm được nhiều hơn. Anh ta biết nắm bắt được cá tính nhân vật, kết nối diện mạo cá nhân với hình ảnh công ty, và đảm bảo sản phẩm hình ảnh sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu truyền thông của công ty.
Thay vì chụp thật nhiều và hi vọng sẽ có vài ảnh phù hợp, một người chụp ảnh có kinh nghiệm sẽ tìm hiểu nhu cầu sử dụng trước khi lựa chọn ánh sáng và tạo dáng phù hợp.
Địa điểm, địa điểm và địa điểm
Một phần quan trọng trong việc thể hiện phong cách của công ty là chọn lựa địa điểm phù hợp cho bức ảnh. Một bức chân dung lãnh đạo ngồi sau bàn làm việc có thể nói nhiều điều về cá nhân, nhưng chưa chắc đã là về công ty. Một kiểu ảnh lãnh đạo đứng trong nhà xưởng hoặc giữa những yếu tố thị giác thể hiện công việc của doanh nghiệp sẽ cho thấy người lãnh đạo đó là một phần của công ty.
Chọn được địa điểm tốt nhất không phải là dễ, thậm chí là khó có thể. Thường thì nhân viên truyền thông sẽ dẫn nhiếp ảnh gia vào văn phòng của lãnh đạo hoặc phòng họp và mong chờ sau vài phút là sẽ có ảnh đẹp cho sếp.
Có thể không? Đương nhiên là có. Tôi thường xuyên phải tận dụng mọi yếu tố sẵn có tại địa điểm, thay đổi nhiều góc chụp và kĩ thuật ánh sáng khác nhau để có thể có được nhiều bức ảnh khác nhau. Tất nhiên, lí tưởng nhất vẫn là được chọn địa điểm giúp bức ảnh giàu thông tin hơn.
Là một người có kinh nghiệm chụp ảnh báo chí, tôi muốn bức ảnh phải vừa thể hiện cá tính nhân vật vừa có câu chuyện về công ty cũng như vai trò của nhân vật trong công ty đó. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu biết trước thông tin về nhân vật, về doanh nghiệp, về không gian chụp để đưa ra kế hoạch.
Nhưng nếu muốn có ảnh đẹp mà thời gian lại eo hẹp, tôi sẽ chuẩn bị sẵn thiết bị; phân tích, chọn lựa và thực hiện những phương án tốt nhất ngay tại địa điểm.
Tránh vội vã
Trong thực tế, hoàn cảnh chụp hiếm khi được hoàn hảo. Không mấy khi mà một lãnh đạo cấp cao có thể dành nhiều thời gian đứng trước ống kính. Trong hầu hết các trường hợp, ngay cả khi kế hoạch chụp là từ 30 phút đến một tiếng, các sếp vẫn sẽ bị giục đi họp hoặc mong sớm quay về bàn làm việc.
Mặc dù có thể hiểu lí do, nhưng vẻ mặt thiếu kiên nhẫn hiếm khi làm nên một bức ảnh đẹp. Vì thế, một người giỏi chụp chân dung còn cần biết chụp thật nhanh và làm cho nhân vật cảm thấy thoải mái thay vì liên tục nhìn đồng hồ hay băn khoăn không biết bao giờ mới chụp xong.
Để giải quyết vấn đề này, tôi sẽ nói ngay cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị, chụp trong bao lâu, bao nhiêu kiểu cần phải có cũng như giải thích về việc thay đổi ánh sáng, góc chụp.
Các sếp đương nhiên là người thông minh và đa số thích được chụp ảnh. Nếu họ hiểu những gì tôi đang làm và bao lâu thì xong, họ sẽ thấy tin tưởng và thoải mái hơn rất nhiều.
Thoải mái là chìa khoá thành công của một buổi chụp chân dung. Nhưng với nhân vật là người quyền lực, tạo được sự thoải mái đó là một thách thức cho nhiếp ảnh gia.
Các sếp là người đứng đầu và đưa ra quyết định. Họ thường là người ra lệnh và muốn người khác tuân theo. Lãnh đạo là vai trò của họ trong công ty – và nó sẽ định hình ấn tượng mà nhiếp ảnh gia muốn có trong bức ảnh.
Tuy nhiên, khi đứng trước ống kính, nhà lãnh đạo lại không phải là người có quyền điều khiển. Trái lại, họ phải làm theo chỉ dẫn của nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia phải thấy tự tin khi đưa ra những quyết định để có được bức ảnh tốt nhất, còn nhà lãnh đạo phải tin tưởng và kiên nhẫn để nhiếp ảnh gia hoàn thành công việc.
Chuẩn bị trước của khách hàng và người chụp
Một phần quan trọng của buổi chụp là sự chuẩn bị tốt, không chỉ từ phía người chụp mà còn của công ty. Một khi phòng truyền thông cho sếp của mình biết trước quy trình làm việc, đồng thời dành ra một khoảng thời gian đáng kể trong lịch làm việc của sếp, thì nhân vật sẽ thấy thoải mái và buổi chụp sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Chuẩn bị tốt cũng hữu ích với vấn đề địa điểm, nhất là khi người chụp được khảo sát trước để biết các góc chụp đẹp nhất và lắp đặt thiết bị trước khi nhân vật đến.
Chuẩn bị cũng hạn chế các rắc rối liên quan đến trang phục – một yếu tố mà nhân vật thường ít coi trọng, nhưng lại có thể giúp truyền tải những thông tin quan trọng. Ví dụ, phó giám đốc marketing có thể cần được chụp với bộ suit để thấy anh ấy làm kinh doanh, nhưng trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty dược lại cần đến bộ bờ-lu trắng. Giám đốc trẻ một công ty phần mềm thì có thể lại xuất hiện với phong cách thoải mái trong bộ quần jeans và áo sơ mi chẳng hạn.
Cuối cùng, sự chuẩn bị của khách hàng nên bắt đầu bằng việc thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – một người đủ tự tin vào kĩ năng của mình để làm chủ buổi chụp.