Tôi là một người khá ám ảnh với việc mất dữ liệu. Bởi thế, quản lí dữ liệu luôn là vấn đề được đầu tư khá nhiều thời gian và chi phí.
Quản lí dữ liệu của buổi chụp
Tôi là một người khá ám ảnh với việc mất dữ liệu. Bởi thế, quản lí dữ liệu luôn là vấn đề được đầu tư khá nhiều thời gian và chi phí.
Một bức ảnh có từ 4 đến 5 bản sao
Nếu như chụp ảnh ở Paratime Studio thì dữ liệu sẽ được đồng bộ ngay lên Google Drive. Còn khi chụp ở văn phòng của khách hàng thì tôi sẽ sao lưu ra một ổ SSD di động. Nếu phải ra ngoài ăn trưa thì tôi sẽ mang theo ổ SSD này.
Về đến nhà tôi sẽ chép dữ liệu ra cả ổ cứng để bàn và ổ cứng mạng. Từ ổ cứng mạng, dữ liệu sẽ được tự động đồng bộ với Google Drive.
Như vậy, với một dự án đang diễn ra, mỗi bức ảnh sẽ được lưu từ 4 tới 5 nơi khác nhau: (1) ổ cứng trong Macbook, (2) ổ SSD di động, (3) ổ cứng để bàn, (4) ổ cứng mạng và (5) Google Drive.
Thường thì tôi sẽ xử lí hậu kì với bản nằm trên Macbook. Sau khi bàn giao sản phẩm cho khách hàng thì dữ liệu sẽ được đồng bộ một lần nữa với ổ cứng để bàn, ổ cứng mạng và Google Drive. Giờ thì đã có thể xoá dữ liệu của dự án đã hoàn thành khỏi Macbook (và ổ SSD di động). Nhưng ba bản sao còn lại thì vẫn được giữ nguyên.
Lựa chọn thiết bị
Gần đây tôi chuyển sang dùng Macbook M1 với ổ cứng 1TB. Đây là dung lượng tương đối thoải mái cho cả tháng bận rộn.
Chiếc SSD di động cũng được nâng dung lượng lên 1TB để không phải xoá thường xuyên hoặc đủ cho những chuyến đi kéo dài hàng tuần liền.
Ổ cứng để bàn đơn giản là một HDD cắm vào một chiếc dock. Từ 2019 đến nay, tôi chọn ổ WD Red 4TB vì đây là ổ cứng rẻ nhất nếu tính theo tỉ lệ giữa giá và dung lượng. Với 4TB, tôi có thể dùng trong khoảng 12 đến 16 tháng. Khi ổ cứng đầy, tôi sẽ cất vào tủ chống ẩm và mua ổ khác thay thế.
Ổ cứng mạng (NAS) vẫn là chiếc Synology DS418.
Còn Google Drive thì tôi đang dùng gói Enterprise Standard.
Chi phí
Hiện tại, một ổ WD Red 4TB có giá gần 2,9 triệu đồng. Còn ổ 12TB (dùng cho ổ cứng mạng) có giá khoảng 7,5 triệu. Như vậy, giả sử mỗi năm có 3,5TB dữ liệu mới thì chi phí cho ổ cứng sẽ là 2,9 + 7,5/3 = 5,4 triệu đồng.
Chiếc DS418 kèm bộ lưu điện có giá gần 13 triệu, nếu tính khấu hao trong 5 năm thì chi phí hàng năm là 2,6 triệu.
Chi phí cho dịch vụ Google Drive là gần 500.000đ/tháng, tương đương 6 triệu đồng/năm. Chi phí này có thể sẽ tăng trong những năm tiếp theo.
Như vậy, tổng chi phí chưa gồm tiền điện sẽ là 14 triệu đồng/năm.
Nhưng ổ cứng mạng có thể truy cập từ nội bộ lẫn từ xa. Vậy thì thêm ổ cứng để bàn và Google Drive liệu có lãng phí không? Trong bài sau, tôi sẽ phân tích cụ thể về ưu và nhược điểm của từng thiết bị/dịch vụ để lí giải tại sao mình lại phải dùng đồng thời cả ba.
Comments are closed.
1 Comment.
[…] Xem chi tiết trên oép sai của Paratime Studio. […]