Khi giới thiệu bản thân, bức ảnh chân dung của bạn có thể sẽ là điểm đầu tiên mà khách hàng, đối tác hay nhà tuyển dụng sẽ xem tới.
Tầm quan trọng của ảnh chân dung chuyên nghiệp
Mỗi sáng thức dậy bạn sẽ dành hàng chục phút để vệ sinh cá nhân, diện những bộ đồ đẹp đẽ, phẳng phiu, trang điểm,… trước khi đi làm. Tất cả những “thủ tục” đấy là để có được một diện mạo đẹp đẽ và chuyên nghiệp tại nơi làm việc. Có rất nhiều người đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức vào để đạt được mục tiêu đó, nhưng thật (chẳng có gì) ngạc nhiên là nhiều người trong số họ lại dùng bức ảnh thẻ vô hồn chụp từ nhiều năm trước để đăng website hay cho vào tài liệu giới thiệu về công ty, tổ chức.
“Yêu từ cái nhìn đầu tiên”
Khi giới thiệu bản thân và công việc của mình trên thị trường, qua website, mạng xã hội hoặc các ấn bản, bức ảnh chân dung của bạn có thể sẽ là điểm đầu tiên mà khách hàng, đối tác hay nhà tuyển dụng sẽ xem tới. Bức ảnh này sẽ là cơ hội đầu tiên để tạo ấn tượng tốt đẹp về bạn và công ty mà bạn làm việc.
Nếu xảy ra trường hợp người duyệt phải lựa chọn một trong những hồ sơ tương đương nhau thì ấn tượng kia sẽ là lợi thế, thậm chí là điểm cộng giúp hồ sơ của bạn được lựa chọn.
Sẽ có người tự ti mà nói rằng “nhưng ngoại hình của tôi không ổn”. Đúng là ngoại hình đẹp thì dễ có được bức ảnh ưa nhìn nhưng một bức chân dung nghề nghiệp không đơn thuần là một sự miêu tả ngoại hình mà nó quan trọng hơn là thể hiện tinh thần, phong thái của cá nhân cũng như tổ chức mà cá nhân đó đại diện. Đó mới thực sự là ấn tượng mà bức ảnh đem lại.
Sự trỗi dậy của ảnh “tự sướng” (selfie)
Trong một số năm trở lại đây, chụp ảnh “tự sướng” là một trào lưu không thể cưỡng nổi. Chẳng thế mà Từ điển Oxford đã chọn “selfie” là từ của năm 2013 (International Word of the Year). Tuy nhiên, những tác hại của ảnh “tự sướng” thì cũng không kém cạnh khi mà đến cả Tổng thống Hoa Kì Obama cũng dính “phốt” vì “tự sướng” trong lễ tang Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng chụp ảnh “tự sướng” nhiều có liên quan đến bệnh tâm thần.
Vì vậy, ảnh “tự sướng” đôi khi có thể hiệu quả ở một khía cạnh nào đó khi kể chuyện về công việc, các mối quan hệ, nhưng tốt nhất là nên dùng một cách không chính thức, và chỉ nên dừng ở đó. Việc lạm dụng có thể khiến người khác cho rằng bạn coi trọng bản thân hơn khách hàng. Đặc biệt, đừng bao giờ dùng một bức ảnh “tự sướng” (nhất là chụp bằng điện thoại) để làm ảnh chân dung trong hồ sơ vì dù trông bạn có xinh xắn, đáng yêu đến mấy thì tư thế chụp cũng sẽ “tố cáo” bạn đã không đầu tư cho hình ảnh của mình.
Mẹo nhỏ mách bạn
Chúng tôi xin đưa ra một số mẹo để bạn tham khảo trước khi “đầu tư” cho những bức ảnh chân dung chuyên nghiệp cho công việc của mình.
- Không “tự sướng”.
- Nên mặc trang phục chuyên nghiệp, tuy nhiên cũng nên cân nhắc xem có cần phải thực sự nghiêm túc hay nên cởi mở một chút.
- Chọn phông nền, bối cảnh phù hợp.
- Cân nhắc giữa một bức ảnh nửa người đơn giản hay một bức chân dung sáng tạo. Cả hai đều có những lợi thế riêng.
- Nếu chụp nhiều người trong cả công ty hoặc nhóm thì cần phải đảm bảo sự đồng nhất về phong cách, chủ đề.
- Thuê một người chụp ảnh chuyên nghiệp (tốt nhất là tôi, hoặc ai đó chụp đẹp cũng được).
“Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”
Mời bạn xem một số ảnh chân dung chuyên nghiệp (corporate portraits) mà tôi đã chụp. Nếu có câu hỏi, đề nghị hay đặt lịch chụp, đừng ngại liên hệ với tôi!
(Phỏng dịch từ BTPhotography. Ảnh: Paratime Studio)